BÀI DỰ THI
VIẾT VỀ GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
Năm 2014 tôi bắt đầu về trường THCS Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội giảng dạy, đến nay cũng đã bước sang năm thứ 6 tôi gắn bó với mái trường này, với đồng nghiệp và học sinh. 6 năm không phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng không hề ngắn ngủi, tôi đã được thấy và được đóng góp sức mình vào sự tiến bộ của trường Nguyễn Trãi trong sự nghiệp trồng người. Từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2018– 2019, trong suốt 4 năm liên tiếp trường THCS Nguyễn Trãi đều đứng đầu toàn quận Thanh Xuân về tỉ lệ học sinh khối 9 thi vào lớp 10 các trường công lập và nhiều thành tích khác. Để có được thành công đó phải kể đến công lao của Ban giám hiệu, toàn thể giáo viên, nhân viên của nhà trường, của học sinh, cha mẹ học sinh đã luôn cố gắng phấn đấu không mệt mỏi trong học tập và rèn luyện.
Thành tích mà Nhà trường đạt được là nhờ sự cống hiến của cả một tập thể cùng nhau xây dựng, vun đắp, song không thể thiếu các cá nhân tiêu biểu là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Một trong những tấm gương đó là cô giáo Phạm Thị Hoa, giáo viên giảng dạy bộ môn Âm Nhạc trường THCS Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội.
Cô Phạm Thị Hoa là một giáo viên đầy nhiệt huyết và lòng say mê với nghề dạy học, ai được tiếp xúc với cô sẽ đều thấy câu hát “yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu” như được viết ra để dành tặng cho những thầy cô giáo giống như cô vậy. Một người yêu những tâm hồn trong trẻo, yêu những nụ cười hồn nhiên, luôn khát khao được cống hiến, được trồng người. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phậm Hà Nội năm 1999, sau đó cô Hoa công tác giảng dạy tại trường THCS Tứ Hiệp - Thanh Trì – Hà Nội. Năm 2004 cô thi đỗ viên chức và được phân công về trường Nguyễn Trãi và gắn bó với trường cho đến nay. Được làm việc cùng nhau 6 năm qua, tôi đã thấy được cô Hoa là một giáo viên đầy tâm huyết với nghề, thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người và cũng đầy dí dỏm, hài hước. Trong công tác giảng dạy cô Hoa vẫn hết lòng tận tụy với công việc, luôn yêu thương quan tâm chăm sóc các em gọc sinh từ lời ăn tiếng nói, từ những bài học đầy tâm huyết, sáng tạo, từ lối sống giản dị, gần gũi như một người mẹ.
Khó khăn, vất vả của nghề giáo chỉ có những người trong nghề mới hiểu rõ, đặc biệt là những giáo viên giảng dạy các bộ môn chỉ được xem như môn “phụ”, đồng lương eo hẹp nhưng áp lực thì nhiều. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng học sinh hầu hết không hứng thú với môn âm nhạc, thậm chí rằng phụ huynh cũng chẳng mấy khi quan tâm đến việc học môn âm nhạc của các con, vì tâm lí đây là môn không tính điểm và không thi vào lớp 10. Chính vì vậy trong quá trình giảng dạy, cô Hoa gặp rất nhiều khó khăn. Để học sinh hứng thú trong học tập cô đã không ngừng học hỏi, tìm tòi và vận dụng sáng tạo những phương pháp, kĩ thuật dạy học mới phù hợp với từng học sinh. Đồng thời cô Hoa còn tự mình làm đồ dùng dạy học trực quan như các thanh phách, các loại hoa để học sinh dùng để học tập và biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ. Việc này không những đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn mà phải thật sự là những người tâm huyết, đam mê nghề mới có thể làm được.
Học sinh hiện nay thường chỉ thích nhạc trẻ sôi động như không còn quá yêu mến các điệu dân ca quê hương, các dòng nhạc truyền thống. Đây cũng là một khó khăn lớn trong giảng dạy, bởi chương trình giáo dục phổ thông môn âm nhạc tập trung chủ yếu là các giai điệu tuổi hồng, dòng nhạc dân tộc như hò, lí... không hấp dẫn các em. Nhưng với lòng yêu nghề cô Hoa đã luôn cố gắng truyền thụ cho học sinh tình yêu và sự đam mê với âm nhạc truyền thống của đất nước, với các giai điệu dân ca trữ tình sâu lắng, các điệu lí, điệu hò ở mỗi vùng miền qua đó vun vén cho các em tình yêu và lòng tự hào dân tộc nói chung cũng như lòng yêu nhạc quê hương nói riêng. Từ đó giúp cho học sinh ngày càng có hứng thú với môn học và tiến bộ hơn từng ngày đồng thời rất nhiều em học sinh đều yêu ca hát văn nghệ và hăng hái tham gia vào các buổi tập văn nghệ của trường phục vụ trong các ngày lễ lớn như: lễ khai giảng, các ngày kỉ niệm 20-11, 8-3, 26-3… và các ngày lễ lớn khác cũng như tập văn nghệ chuẩn bị trực tuần của mỗi lớp.
Luôn nhiệt tình trong công tác và phong trào văn nghệ của trường nên cô Phạm Thị Hoa đã được Ban giám hiệu tin tưởng và giao cho cô phụ trách mảng phong trào văn nghệ của trường. Do vậy môn Âm Nhạc không có tổ chức thi học sinh giỏi các cấp như những môn văn hóa khác nhưng không có nghĩa là cô Hoa được nhàn nhã vì không cần ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi. Có những ngày Chủ Nhật, các đồng nghiệp khác ở nhà nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng và mệt mỏi thì cô Hoa lại lặng lẽ đến trường cùng với những em học sinh trong đội văn nghệ miệt mài, cố gắng luyện tập. Đó là những khi tan học giữa trưa hè, cô Hoa vẫn tận tụy ở lại sửa từng động tác múa, sửa từng nốt nhạc câu hát cho học sinh chuẩn bị tiết mục văn nghệ cho các buổi trực tuần. Là những khi các buổi lễ mít tinh, kỉ niệm kết thúc cô Phạm Thi Hoa lại vội vã mang trả trang phục biểu diễn cho các cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn…
Không chỉ tham gia phong trào ở trường mà cô Hoa còn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ ở phường, quận cũng như các đơn vị kết nghĩa với trường tổ chức.
Còn đối với đồng nghiệp, cô Hoa luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp khi khó khăn, không nề hà dù việc lớn hay việc nhỏ. Ở con người cô giáo Phạm Thị Hoa luôn toát lên sự lạc quan, yêu đời, tinh thần ham học hỏi, tận tụi trong công việc nên chẳng có gì ngạc nhiên khi cô được các đồng nghiệp kính trọng, các em học sinh yêu mến và phụ huynh tin tưởng. Cô xứng đáng là một tấm gương tốt, một cô giáo mẫu mực luôn hết lòng vì học sinh thân yêu của mình.Trong công tác chuyên môn, cô luôn trau dồi kiến thức, không ngừng học hỏi đồng nghiệp, tích cực tham gia các buổi chuyên đề do trường, quận tổ chức.
Nhờ không ngừng phấn đấu nên từ năm học 2005- 2006 đến nay, năm học nào cô Phạm Thị Hoa cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp quận. Đặc biệt năm học 2009 – 2010 cô được công nhận là Chiến Sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2011 cô được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời làm tổ phó chuyên môn, ủy viên ban thanh tra của trường, nhóm trưởng nhóm nhạc, và phụ trách mảng phong trào văn nghệ của trường.
Suốt từng đó năm gắn bó với nghề dạy học cô giáo Phạm Thị Hoa luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ… bởi trẻ ở lứa tuổi THCS là lứa tuổi các con rất hiếu động, tinh nghịch. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho học sinh thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với học sinh… sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Không chỉ “giỏi việc nước” mà cô Hoa còn “đảm việc nhà” khi chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái rất tốt. Hai cậu con trai đều rất chăm chỉ học tập và ngoan ngoãn lễ phép. Đặc biệt là con trai lớn Bùi Hông Đức của cô là một trong mười gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019 và đạt nhiều giải thưởng quốc tế lớn. Em Đức tâm sự rằng để có được thành tích tốt trong học tập mẹ Hoa đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng, động viên và chăm sóc em, giúp em vượt qua những áp lực trong học tập, thi cử.
Là người luôn đi đầu trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như: “Học tập và làm theo tấm gương đọa đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cô Hoa luôn là tấm gương sáng trong việc học tập và làm việc, cô luôn khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên và học sinh.
Mặc dù con đường phía trước còn dài, sự nghiệp giáo dục còn cần nhiều đổi mới nhưng tôi tin rằng có những giáo viên như cô Hoa luôn không ngừng phấn đấu và cống hiến chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tích lớn hơn nữa. Với bản thân tôi, cô giáo Hoa vừa là đồng nghiệp, vừa là chị, là bạn và là tấm gương sáng cho chúng tôi học hỏi.
Tác giả: Dương Thị Yến