Đó chính là quyển sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Nhắc đến cái tên Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ là học sinh thì không ai không biết đến ông. Ông là nhà văn nổi tiếng tại Việt Nam, có rất nhiều sách viết về tuổi mới lớn. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một trong những sáng tác thành công của ông và nhận được Giải thưởng Văn học ASEAN của năm 2010.
Đối với tôi "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" không hẳn là một tác phẩm văn học. Mà đây mà một bộ phim ngắn, một bộ phim ngắn kể về tuổi thơ của tác giả và của chính tôi, và có lẽ… cũng của chính các bạn. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé! Đây là một bức vẽ bìa trước quyển sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ do một bạn đọc sau khi đọc quyển sách này, vì quá tâm đắc mà đã vẽ nên. Bìa sách rất đơn giản, đó là hình ảnh một cậu bé đang đọc sách trong một tư thế rất thoải mái.
Đến với bìa sau quyển sách, tôi đã rất ấn tượng đối với câu nói của tác giả: “Tôi viết cuốn sách này không chỉ dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em.” Quả thật, sau khi đọc câu nói này, tôi thực sự muốn đọc quyển sách này. Vì sao? Vì tôi muốn biết trong tác phẩm thành công này, nó ẩn chứa điều gì.
Quyển sách gồm 215 trang với 12 chương, mỗi một chương là những kỷ niệm đẹp đẽ, không thiếu phần duyên dáng đến buồn cười được tác giả khắc họa rất tinh tế.
Chẳng hạn như đọc xong chương một, tôi tin rằng các bạn sẽ thấy chính mình trong đó, bởi tuổi thơ ai mà chả trải qua những lần ngủ dậy trễ, mất hàng giờ để thu gom đống sách vở nằm rươm rải trong nhà và …
Những mẫu chuyện nhỏ trong quyển sách này, đều gợi nhớ những kỹ niệm đẹp đẽ của chúng ta. Nó không chỉ là những ký ức buồn mà còn có những niềm vui. Những trò chơi dân gian thơ bé mà tôi hay chơi cùng lũ bạn trong cái xóm nghèo, giờ nay không còn thấy nữa. Nó đã được thay thành những trò chơi điện tử, trò chơi trên máy tính, điện thoại. Cuộc sống vốn hối hả và nhiều bộn bề lo toan, dẫu có ai đã lỡ quên mất tuổi thơ của mình rồi, hãy đọc cuốn sách này, vì đâu đó trong trong quyển sách này, bạn sẽ tìm được chính mình, bạn sẽ lại là chính mình trong những lần trốn học, những lần không ngoan ngoãn, những lần làm cho chính bố mẹ mình buồn,… Cũng chính những hình ảnh đó đã giúp cho chúng ta có những thay đổi, những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.
Đây thực sự là một quyển sách rất hay, ý nghĩa, và nhân văn. Đúng như tên gọi của nó, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” thực sự là một tấm vé, là cơ hội cho chúng ta, ai đã từng là trẻ thơ cũng được một lần nữa trở về quá khứ. Trước khi bạn đủ lớn và mong quay trở lại, hãy cùng đọc quyển sách này nhé. “Chiếc vé đi tuổi thơ đó, bạn cứ giữ kỹ trong túi áo, vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặc biệt này.” Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ âu của mình bất cứ lúc nào!