Đây là hoạt động thường niên của nhà trường giúp học sinh tìm hiểu về thế giới rộng lớn; nâng cao kĩ năng sống, rèn luyện sự khéo léo, sáng tạo; giáo dục cho học sinh có hứng thú và động cơ nghề nghiệp đúng đắn; có lý tưởng nghề nghiệp trong sáng; có thái độ đúng đắn đối với lao động; biết phát hiện, đánh giá đúng năng lực kỹ thuật của bản thân cũng như biết trân trọng mồ hôi, công sức lao động của người khác.
Điểm đến đầu tiên của hành trình là Chùa Đậu - một ngôi chùa nổi tiếng được có tên chữ là“法雨寺”(Pháp Vũ tự) hoặc “成道寺” (Thành Đạo tự), chùa nằm tọa lạc tại thôn Gia Phúc xã Nguyễn Trãi huyện Thường Tín (xưa là phủ Thường Tín - tỉnh Hà Đông). Đây là một quần thể kiến trúc đặc biệt mang nhiều nét nghệ thuật của các vương triều theo dòng thời gian của lịch sử dân tộc (Lý - Trần – Lê - Nguyễn), đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng văn hóa dân gian. Tại đây, các thầy cô giáo và các con học sinh đã thành kính thắp nén nhang tri ân bậc tiền nhân lỗi lạc.
Sau lễ dâng hương, đoàn lên xe di chuyển về làng gốm Bát Tràng. Đến với làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời của Hà Nội: Làng gốm Bát Tràng, từng nhóm học sinh đã tự xác định mục tiêu cho buổi trải nghiệm nơi đây. Nhóm thì hứng thú đi tìm những dòng men truyền thống đặc trưng của làng nghề; nhóm thì say sưa với quy trình tạo ra sản phẩm; nhóm khác thì tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Điều gì làm nên giá trị cạnh tranh của gốm sứ Bát Tràng trong bối cảnh hàng gốm sứ của Trung quốc, Nhật Bản đã có mặt tại thị trường Việt Nam?". Có nhóm tìm hiểu về nguồn nguyên liệu - loại đất sét để làm ra sản phẩm có chất lượng; nhóm khác lại thú vị với vấn đề môi trường với nghề làm gốm sứ … Nhưng tựu chung lại là niềm vui, hứng khởi, những năng lực cá nhân mà mỗi em có được sau chuyến đi. Sau đó, mỗi học sinh đều tự tay thực hành: vẽ hoa văn trên cốc và tự tay làm sản phẩm bình hoa, cốc, đĩa, ... Qua những trải nghiệm đó, học sinh có thêm nhiều cảm xúc và sự trân trọng với những người lao động nghề thủ công, với các nghệ nhân của làng nghề. Thật cảm phục sức sáng tạo và bàn tay tài hoa của họ. Giờ đây cầm trên tay mỗi món đồ gốm sứ ta mới thấu hiểu hết giá trị của nó. Ra về, mỗi học sinh đều mang sản phẩm tự mình đã làm, tuy chưa hoàn hảo nhưng thật thích thú và ý nghĩa.
Với những chuyến đi trải nghiệm như vậy, không chỉ là ngày hội vui chơi của học sinh mà còn giúp các con thu nhận được nhiều kiến thức thực tế. Để rồi mai này, khi rời mái trường Nguyễn Trãi, các em sẽ có thêm những kinh nghiệm, kĩ năng sống để phục vụ cho việc học tập, xây dựng cuộc sống bản thân và xã hội sau này.
Một số hình ảnh buổi thực hành hướng nghiệp của học sinh khối 9 niên khóa 2017-2021